Bong da Viet Nam

‘Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình’

Thứ bảy, 07/08/2021 18:24 (GMT+7)

Sau mỗi tấm huy chương là một câu chuyện. Có những câu chuyện đầy tính phiêu lưu và xúc động đến mức có thể thành đề tài cho một tiểu thuyết hay đưa lên màn ảnh...

Như câu chuyện về Frank Staebler ở môn vật La Mã, hạng 67kg nam. Câu chuyện khiến nhiều người đánh giá chiếc Huy chương Đồng của anh còn long lanh, lấp lánh hơn của một chiếc Huy chương Vàng. 

Trong câu chuyện này, ta được gặp cả ông bố, bà mẹ, và những người bạn của anh. Mỗi người một cách, giúp anh vượt qua thách thức, tôi luyện lòng tin, và đi tới thành công.

Staebler là đô vật rất nổi tiếng. Thể thao đã đem lại cho anh nhiều niềm vui, hạnh phúc. Từ năm 17 tuổi, anh đã lăn lộn trên vũ đài, 3 lần trở thành vô địch Thế giới, 2 lần vô địch Châu Âu, kèm thêm 2 HVĐ châu lục. Cho đến Thế vận hội Rio de Janeiro, sung sức và tài năng, anh là niềm hy vọng số 1. Nhưng không hiểu sao, anh lại bị loại rất sớm.

‘Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình’ - Ảnh 1

Đấy là thời điểm anh quyết định thực hiện dự án quan trọng nhất đời mình: Đoạt HCV tại Tokyo, và sau đó giải nghệ. Staebler là người đầy tự tin, anh bảo: "Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình".

Sau này mới thấy lòng tin ấy của anh bị thách thức liên tục. Và anh đã bền bỉ tiến hành những cuộc chiến không ngừng nghỉ để bảo vệ  niềm tin của mình. Cuộc chiến đầu tiên, không ai ngờ, lại là cuộc chiến với chính CLB của anh - TSV Musberg. Hai bên không thống nhất về kế hoạch và chương trình tập luyện, kết thúc bằng cuộc chia tay.

Bấy giờ, Staebler còn lại một mình. Năm 2020, anh tự xây dựng cho mình một phòng tập riêng trong chuồng gia súc ở sân nhà. Bố anh lo mọi chuyện một cách cẩn trọng để phòng tập đáp ứng mọi yêu cầu về chuẩn xây dựng, nhất là về các quy tắc phòng cháy chữa cháy. Và thế là Staebler đã có đủ điều kiện để bắt đầu giai đoạn mới.

‘Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình’ - Ảnh 2

May mắn thay, anh tìm được cho mình một bạn đồng nghiệp để cùng tập, vì khu anh ở có nhiều người nhập cư. Và trong số đó có một đô vật thượng thặng người Iran tên là A. Papi. Không chỉ tập cùng, Papi còn có thể chỉ cho Staebler những điểm yếu mà anh cần khắc phục.

Tiếp theo là cuộc chiến về luật lệ. Bây giờ không phải là xung đột với một CLB nhỏ, mà là với môt tổ chức quốc tế đầy quyền uy: Liên đoàn Vật Thế giới. Họ quyết định loại bỏ hạng cân 72 kg mà anh vẫn thường thi đấu. Bây giờ, anh phải xuống chơi ở hạng 67 kg.

Hơn nữa, họ lại quy định rằng: không tiến hành cân kiểm tra vào ngày hôm trước, mà cân ngay buổi sáng trước khi thi đấu. Như vậy, phải thay đổi ở 2 vấn đề quan trọng: một - là tổng số cân, và hai - là chiến thuật để đúng cân.

Thường thì với hạng 72 kg, vẫn có thể duy trì mức cân cỡ 75 kg, rồi thực hiện các biện pháp giảm cân cấp tốc trước khi cân. Cân xong lại có chế độ bồi dưỡng để hồi sức cho thi đấu ngày hôm sau. Nhưng giờ không còn có thể làm như thế.

‘Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình’ - Ảnh 6

Bởi vậy, Staebler phải tập luyện trong chế độ giảm cân tới 8 kg. Chúng ta có thể hình dung ra sự gian khổ. Nhưng gian khổ như thế còn có thể chịu đựng được, chứ tuổi tác và đau đớn, bệnh tật thì còn khó khắc phục hơn nhiều.

Đó là nội dung cuộc chiến thứ ba. Staebler bị đau vai mãn tính. Muốn chữa khỏi thì phải mổ. Nhưng mổ thì lỡ hẹn Olympic. Cho nên anh chọn điều trị bảo tồn. Nén đau xuống mà tập. Nén đau xuống mà thi đấu. Xem anh thi đấu thấy trên vai trái của anh luôn được dán băng. Một kiểu điều trị hỗ trợ mà chúng ta gọi là Kinesio Taping.

Còn tuổi tác? Bây giờ Staebler 31 tuổi. Chúng ta sẽ bảo: 31 tuổi à? Chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng với môn vật thì khác. Sau mỗi lần dùng toàn lực để ra đòn hay chống đòn, cơ thể phải hồi sức, các tế bào phải ở trạng thái sẵn sàng ngay lập tức. Càng có tuổi thì thời gian hồi sức càng dài. Bây giờ, chỉ còn cách tận dụng kinh nghiệm và sự khôn ngoan để chọn cho mình một thời cơ, một tích tắc để ra đòn hay né tránh.

‘Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình’ - Ảnh 3

Vẫn chưa hết. Thế Vận Hội năm nay diễn ra trong dịch Covid-19. Không may, Staebler trở thành người bị nhiễm. Không phải là ca bệnh nặng, nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến hệ hô hấp, nghĩa là đến khả năng cung cấp năng lượng trong thi đấu. Đặc biệt, với một người đã có tuổi, lại còn bị đau mạn tính.

Mùa đông 2020, thể lực của Staebler bị đánh giá là suy giảm đến 20%. Anh không còn đủ sức để thổi tắt một ngọn nến ở cách xa chừng 1 m. May mà anh có người bạn, cũng là HLV, nhưng lại chuyên về tập luyện hô hấp. Mỗi ngày, bạn giúp Staebler tập phổi một giờ đồng hồ. Nhờ đó, Staebler đủ sức tới Tokyo.

Cuối cùng, Staebler còn có một bảo bối không ai hình dung nổi: nước hầm thịt của Mẹ anh. Những bà mẹ bao giờ cũng biết cách giúp con mình theo những phương pháp chẳng ai ghi trong sách giáo khoa. Sợ con nhịn ăn để giữ cân mà mất sức, bà chuẩn bị cho con một ít nước hầm thịt tinh chất để uống cho tăng lực trong luyện tập, và nhất là trong đêm trước khi cân kiểm tra và thi đấu. May mà mang trót lọt qua cửa hải quan sân bay.

Một chuyện không hợp lệ nhưng cũng chẳng phải là phi pháp. Và thực chất là uống vào cũng thấy mạnh mẽ và tin tưởng. Sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần kết hợp. Staebler luôn tin những gì mà Mẹ đưa cho anh đã giúp anh tích lũy năng lượng trong đêm. Không mảy may nghi ngờ, dù chỉ 1%. Nhờ đó anh tận dụng hết 100% khả năng, và có khi còn hơn thế. Như người ta nói: Vượt qua chính mình.

‘Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình’ - Ảnh 4

Ngày quyết định là ngày 04/08/2021. Trận tranh huy chương đồng hạng 67 kg. Staebler bước ra thảm đấu với 3 lá bài trong tay: lòng tin của anh, kinh nghiệm của anh, và năng lượng Mẹ gửi gắm cho anh.

Anh vừa thua một trận buổi sáng, nhưng nhờ thắng Aceveddo (Columbia) ở trận đấu vòng hy vọng với tỷ số 8-0 mà anh được quay lại trận tranh Huy chương Đồng. Trận thắng hiển hách giúp anh phấn chấn rất nhiều. Đối thủ của Staebler bây giờ là G. R. Zoidze, đô vật người Gruzia. Một "cường địch".

Quyết định của Staebler: tận dụng lúc còn dư sức tấn công phủ đầu. Sau khi đã mệt rồi thì phòng thủ giữ điểm. Nghĩ sao làm vậy. Một cú tóm đối thủ, quay vòng rồi quật xuống đất, Staebler dẫn 5-1. Sau đó Zoidze phản công dữ dội. Nhưng Staebler đủ khôn ngoan đề cơ động, né tránh và đẩy, ép, khiến đối thủ chỉ có thể chậm chạp nhích lên từng điểm.

‘Khi tôi có sự nghi ngờ, dù chỉ 1%, thì tôi không thể huy động được 100% khả năng của mình’ - Ảnh 5

Đến tỷ số 5-4 thì vẫn còn 1 phút thi đấu. Zoidze vội vã, Staebler kiên trì. Vai thì càng ngày càng đau. Nhưng chỗ nước thịt hầm vẫn còn tác dụng. Hết giờ. Thắng lợi cuối cùng của Staebler trước khi chấm dứt sự nghiệp. Huy chương Đồng Olympic.

Đây không phải là chiếc Huy chương Vàng chia tay sự nghiệp như Staebler đã đề ra trong dự án 2016. Nhưng câu chuyện đủ chứng tỏ rằng, chiếc Huy chương Đồng anh đoạt được có giá trị không kém, thậm chí có chút nhỉnh hơn những gì anh đã hình dung.